Niềm vui của tôi

Thân tặng các Thầy, Cô và học sinh của trường Việt Ngữ Lạc Hồng.
Riêng tặng cô Lê Thị Thanh, người đã khuyến khích tôi rất nhiều trong bước đầu giảng dạy và cô Diễm đã gợi ý cho tôi viết bài này.
*CTHNga


Cuối cùng rồi tôi cũng có cơ hội thực hiện được ước mơ mà tôi hằng ấp ủ từ thuở thiếu thời: làm cô giáo, dù chỉ là cô giáo nghiệp dư!

Tôi nhớ khi còn bé, có ai hỏi: sau nầy lớn lên sẽ làm gì ? – Tôi đáp ngay: làm cô giáo.

Không hiểu sao hồi ấy tôi rất thích dạy học. Có những lúc ngồi trong lớp, tôi mơ màng nghĩ tới một ngày kia tôi cũng đứng trên bục gỗ đó, trước mặt mấy mươi học sinh, cũng thao thao như cô giáo tôi đang giảng bài. Có điều lúc đó tôi chưa hiểu được ý nghĩa của câu “nghề giáo là nghề cao quý nhưng bạc bẽo” mà dân gian thường nói, cũng như câu: “Mồng một nhà cha, Mồng Hai nhà vợ, Mồng Ba nhà thầy”.

Thế rồi hoàn cảnh tôi thay dần theo thời gian, giấc mơ làm cô giáo của tôi cũng nhạt nhòa theo năm tháng ...!

Cho đến một buổi sáng đầu năm 1996, tôi được mời vào dạy ở trường Việt Ngữ Lạc Hồng. Lần đầu tiên bước vào lớp học, trông những nét mặt thơ ngây, bỡ ngỡ đang nhìn tôi chờ đợi... lòng tôi rạt rào sung sướng ! Tôi tự giới thiệu và hỏi tên từng em. Trong lớp tôi có gần 20 học sinh, có em đã lên trung học, có em còn ở tiểu học của trường Úc.

Thú thật rằng sau buổi học đầu tiên ấy, tôi thấy rất nãn, vì học trò của tôi lơ đảng nhiều hơn là chăm chỉ. Tôi tìm hiểu...thì ra...phần đông các em đi học vì nghe lời cha mẹ chứ không phải vì yêu thích tiếng Việt.Tôi nghĩ là tôi phải nhẫn nại, từng bước một dẫn giải cho các em biết cái hay, cái đẹp và sự ích lợi của tiếng Việt sau này, có vậy các em mới cảm thấy yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Trong giờ học tôi thân thiện, vỗ về, khuyến khích các em. Tôi nhắc nhỡ các em luôn nhớ mình là người Việt Nam, mặc dù các em sinh ra ở đây và đang hòa mình trong xã hội Úc. Cùng lúc tôi cũng giảng giãi cho các em hiểu nghĩa của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà từ xưa tới nay tất cả các học sinh Việt Nam khi bước chân vào ngưỡng cửa học đường đều phải thông qua. Thỉnh thoảng vào cuối giờ học tôi tập cho các em hát bài quốc ca để mỗi sáng Thứ Bảy thầy trò cùng cất cao giọng dưới lá quốc kỳ ; lúc ấy có lẽ tất cả đều tưởng là mình đang đứng giữa lòng đất quê hương của miền Nam Cộng Hòa.

Dần dần tôi cảm thấy thích thú hơn vì học trò của tôi đã chịu lắng nghe lời giảng dạy, chịu khó nắn nót từng chữ, từng câu...,tôi nghĩ là tôi đã vượt qua những khó khăn lúc ban đầu.

Thế rồi năm qua năm ... niềm vui của tôi theo các em lên từng lớp. Hằng tuần tôi mong đến ngày Thứ Bảy, nghỉ hè tôi mong đến lúc khai trường để tôi được gặp lại các em, được nghe âm vang những bài tập đọc, được thấy những ánh mắt trìu mến nhìn tôi như cầu cứu mỗi khi các em đang ngập ngừng trước một chữ, một dấu mà các em chưa biết.

Tôi tự nhủ : bao giờ còn đủ sức khỏe thì tôi vẫn yêu trường , yêu lớp, yêu những mái đầu xanh... cũng như “ tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...” mà nhạc sĩ Phạm Duy đã tha thiết gợi lên trong bản Tình Ca.