Vài cảm nghĩ sau buổi nói chuyện về thuyền nhân của cô Carina Hoàng tại trường VN Lạc Hồng

*Nguyễn Xuân Long, Giáo viên lớp 8


Sáng thứ Bảy vừa qua 25/7/2015 nhận lời mời của trường Việt Ngữ Lạc Hồng cô Carina Hoàng đã đến trường và nói chuyện với các em học sinh về đề tài thuyền nhân. Là một giáo viên của trường tôi đã có mặt trong ngày hôm đó. Trường Lạc Hồng có mời tất cả các phụ huynh và học sinh của các trường Việt Ngữ tại QLD đến tham dự, và tôi thấy trong hơn 300 thính giả đa số là các em học sinh của các trường Việt Ngữ, phần còn lại là các phụ huynh, thầy cô giáo trường Lạc Hồng, thầy hiệu trưởng trường Hoà Bình và cô hiệu trưởng Trưng Vương. Trường Lạc Hồng cho các em từ lớp 4 tới lớp OP của trường tham dự, vì các lớp thấp hơn các em còn nhỏ chưa đủ trí hiểu biết để theo dõi được vấn đề.

Tìm hiểu qua internet tôi được biết cô Carina sống trong một gia đình 7 anh chị em. Cha cô là trung tá cảnh sát trong chế độ VNCH, sau tháng tư năm 1975 ông bị bắt đi học tập. Thời gian đó mẹ cô đã phải làm nhiều nghề bao gồm buôn bán chợ đen để nuôi các con. Cô đã vượt biên năm lần, lần đầu năm 12 tuổi. Sau bốn lần thất bại, lần cuối cùng vào năm 1979 cô và hai người em đã đến được một đảo hoang ở Indonesia. Lúc đó cô 16 tuổi. Chuyến vượt biển ‘thành công’ này, cũng như đa số những chuyến vượt biên của thuyền nhân Việt Nam khác nó chứa đầy sóng gió cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chiếc tàu vượt biên của cô chỉ dài 25 mét ngang 5 mét nhưng đã chứa một số lượng 373 thuyền nhân. Trong chuyến đi chiếc tàu đã phải chạy trốn hải tặc, đến được Mã Lai nhưng bị chính quyền đẩy lại ra biển, và sau 6 ngày trên biển cả một số người trên thuyền đã chết vì đói khát và xác bị quăng xuống biển. Trên đảo hoang Kuku cô cũng đã chứng kiến hàng trăm người Việt tị nạn bỏ mình vì thiếu thuốc men và thực phẩm.

Năm 1980 cô được định cư ở Hoa Kỳ. Sau một thời gian định cư đi làm và đi học cô lấy được bằng cao học và đi làm trong một chức vụ quản lý. Với ước nguyện muốn cho thế giới biết về thảm trạng người Việt vượt biên mà cô lo rằng “Thế giới có thể không bao giờ biết”, cô đã bỏ công sức thu thập tài liệu, gặp gỡ các thuyền nhân cũng như những người đã làm việc với người Việt tị nạn như nhân viên xã hội, ký giả, nhân viên chính phủ ... Kết quả sau một thời gian biên soạn cô cho ra đời quyển ‘Boat People’ viết bằng Anh ngữ vào năm 2011. Gần đây cô theo chồng là một cựu chiến binh Việt Nam sang định cư tại Perth, Úc Đại Lợi.

Tới giờ có lẽ cái tên Carina Hoàng không còn là một tên lạ trong cộng đồng người Việt ở Brisbane. Vài năm trước cô đã đến đây để giới thiệu quyển Boat People, cũng nhằm lúc cộng đồng khánh thành tượng đài thuyền nhân, và cô đã dùng tiền bán sách ủng hộ quỹ xây tượng đài. Dịp này cô trở lại Brisbane để giới thiệu quyển “Thuyền Nhân - Nước Mắt Biển Đông”, phiên bản Việt ngữ của tác phẩm Boat People. Được biết cộng đồng đang gây quỹ xây trung tâm, cô đã biếu Ban chấp hành một số sách để giúp cho việc gây quỹ này.

Bắt đầu bài nói chuyện cô Carina đã vẽ lại khung cảnh của những năm đầu sau cuộc nội chiến để các học sinh hiểu vì sao người cả triệu người Việt rời bỏ quê cha đất tổ mặc dù chiến tranh đã chấm dứt. Sau đó cô kể lại câu chuyện vượt biển gian truân của cô với những người cùng chuyến tàu. Kế là những mẫu chuyện vượt biển thương tâm của các thuyền nhân khác, những chuyến đi trở về lại đảo Kuku ở Inđô của cô để giúp các cựu thuyền nhân trên thế giới tìm lại mộ những người thân của họ.

Hai đứa con tôi (đã hơn 20 tuổi) có đến trường để phụ quay phim và chụp hình, đồng thời cũng để được nghe về đề tài thuyền nhân. Sau buổi nói chuyện các cháu nhận xét buổi nói chuyện hấp dẫn và cảm động. Quả đúng vậy. Cô Carina nói tiếng Anh với một giọng rõ ràng, mạch lạc, xử dụng các từ đơn giản thích hợp với lứa tuổi thiếu niên. Buổi nói chuyện của cô là một buổi kể truyện chứ không phải là buổi giảng bài. Truyện cô kể nghe hấp dẫn như một tiểu thuyết thám hiểm, nhưng nội dung của nó là thật chứ không hư cấu. Cô không chỉ là nhân chứng trong truyện nhưng còn là một trong những nhân vật chính. Cô cũng hay đặt câu hỏi để thu hút sự chú ý của học sinh: Các em cảm thấy thế nào? Hãy tưởng tượng nếu các em ở trong tình huống này các em sẽ làm gì v.v… Buổi nói chuyện còn được kết hợp với một đoạn phim ngắn, và nhiều hình ảnh minh hoạ. Những điều trên đã làm cho buổi nói chuyện hấp dẫn. Chúng ta biết khi các em tụ họp đông trong hội trường thường ít khi trật tự hoàn toàn, nhưng hôm đó tôi thấy các em ngồi rất im lặng chăm chú nghe cho hơn một tiếng đồng hồ.

Ngoài ra những câu chuyện cô kể rất cảm động. Là một cựu thuyền nhân tôi có thể liên tưởng dễ dàng những hình ảnh đau thương mà cô gợi lại, và vào phút nào đó trong buổi nói chuyện tôi thấy trên mắt mình ươn ướt. Nhưng với các em sinh ra ở Úc, sống trong một xã hội sung túc về vật chất, tôi nghĩ làm sao các em có thể hình dung được những câu chuyện đó. Nhưng tôi đã lầm. Trong hội trường hôm đó có những em chảy nước mắt. Điều đó chứng tỏ rằng các em đã cảm thông được những tình cảnh đau buồn của những nhật vật (có thật) trong truyện.

Đầu buổi nói chuyện cô Carina có nói cho các phụ huynh và thầy cô nghe về động cơ của bài nói chuyện. Cô muốn các em học sinh biết được về thảm trạng thuyền nhân, hiểu được lý do tại sao các em có mặt ở đây chứ không phải ở Việt Nam, hiểu được sự ra đi và hy sinh của cha mẹ các em, và qua đó các em có thể tự hào mình là người Việt Nam. Đồng thời qua những câu truyện các em có thể thấy mình được may mắn như thế nào, biết được bản năng sinh tồn của con người rất ư mạnh mẽ, để khi gặp những khó khăn các em sẽ cố gắng vượt qua. Và tôi tin rằng cô đã đạt được mục đích này.

Về nhà tôi có hỏi đứa con gái là con nghĩ buổi nói chuyện có những tác động gì đến các học sinh, thì cháu có vài ý kiến sau. Buổi nói chuyện: giúp các em hiểu những giá trị đạo đức mà cha mẹ mình có được là từ đâu tới; giúp các em hiểu được lý do cha mẹ hay thúc đẩy mình chăm chỉ học hành hầu có một cuộc sống tương lai tốt đẹp, và đạt được những thứ mà cha mẹ mình đã không đạt được; giúp các em hiểu và cảm thông cha mẹ hơn; giúp các em nhận thức là mình may mắn và quý những gì mình đang có; giúp các em có một cái nhìn mới về cha mẹ: nhìn cha mẹ trong vai trò ‘những con người’ chứ không phải là vai trò ‘cha mẹ’, để có thể nhìn thấy sâu hơn tâm tư của cha mẹ; qua câu chuyện các em có thể liên quan đến thế giới ngày hôm nay, cảm thông với những cảnh khổ tương tự với những gì cha mẹ đã trải qua, và hy vọng là trong tương lai sẽ làm điều gì đó để thay đổi những tình cảnh khốn khổ.

Trong tiếng Anh có từ ‘cultural identity’, tạm dịch là ‘nhân dạng văn hoá’ của một con người. Đây là một khái niệm về nhân dạng một người và được hình thành qua ngôn ngữ, phong tục, văn hoá của người đó. Tôi nghĩ tới về nhân dạng văn hoá của con em chúng ta, những người gốc Việt định cư thuộc thế hệ thứ hai. Các em thuộc chủng tộc da vàng, sắc tộc Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại Úc. Tôi tự hỏi các em nghĩ mình là ai: người Úc, người Việt, người Úc gốc Việt? Đó là một câu hỏi mà có lẽ qua những trải nghiệm cuộc sống trong gia đình, học đường và xã hội các em sẽ tự tìm ra câu trả lời cho mình. Các em sống ở xứ Úc thanh bình và có nhiều điều kiện phát triển nhiều kỹ năng, học được những tính tốt như tôn trọng sự thật và đúng giờ giấc, nhưng là phụ huynh ắt hẳn chúng ta đều muốn con em mình có được bản chất tốt đẹp của văn hoá, tập quán Việt Nam như thảo kính cha mẹ, hoà thuận với anh em. Chúng ta bậc phụ huynh và các thầy cô có điều kiện và bổn phận giúp cho các em thành công dân tốt trong xã hội, đồng thời học tập những điểm hay và tốt đẹp của nền văn hoá Việt. Đó là một quá trình lâu dài, và tôi nghĩ buổi nói chuyện về thuyền nhân tại trường Lạc Hồng đã đóng góp một phần nhỏ nhưng rất có giá trị trong quá trình đó.

Chúng ta ai cũng hiểu là biết được lịch sử dân tộc là điều cần thiết. Biết được Hội Nghị Diên Hồng, biết được những cuộc đấu tranh gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc với những vị anh hùng như các bà Trưng Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi …, những kiến thức giúp chúng ta cảm thấy tự hào về dòng giống Lạc Hồng và giúp nung nấu tinh thần chống Trung Quốc bá quyền. Biết được và học hỏi từ những nổi đau thương như cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1954 và cuộc phân chia Nam Bắc nhắc nhở chúng ta phải tìm cách tránh đi vào lại những bước xe đỗ. Phong trào vượt biên là một trang sử đau thương trong lịch sử Việt Nam cận đại mà con em chúng ta nên được biết, nhất là nó giải thích sự hiện diện của các em trên mảnh đất Úc này.

Tôi mong rằng các phụ huynh cựu thuyền nhân (nếu chưa thì) sẽ kể cho con em nghe về chuyến vượt biển của mình, nếu điều đó không gợi lại quá nhiều cảm xúc đau buồn. Việc này có thể giúp các em xích gần cha mẹ thêm một chút ít. Trong quá khứ chúng tôi cũng đã kể cho các con mình nghe, nhưng vài lần kể chuyện rời rạc nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh không giúp chúng thấy được toàn bộ thảm trạng to lớn của phong trào vượt biển bắt đầu vào cuối thập kỷ 1970 và tiếp diễn nhiều năm sau đó. Bài nói chuyện của cô Carina đã giúp lấp vào phần thiếu xót này. Và tôi mong rằng quý phụ huynh khuyến khích con em đọc quyển Boat People. Với 38 truyện ngắn bao gồm thủ bút, thư từ và điện tín cộng thêm nhiều hình ảnh sinh động sẽ giúp các em hứng thú hơn khi đọc và biết thêm về thuyền nhân.

Tôi cám ơn cô Carina Hoàng đã mang đến một buổi kể chuyện sống động, cảm xúc và giá trị cho các em gốc Việt tại Brisbane trong đó có các con tôi, và cầu chúc cô thành công trong công việc phổ biến sự kiện lịch sử thuyền nhân Việt Nam cho thế giới biết, và nhiều may mắn trong các chuyến đi giúp đỡ người tị nạn tìm lại các mộ phần.